Trang chủ Tin tức
Xem bản tin Cập nhật lúc 00h28 ngày 06-05-2014

Những "tay máy" của thợ mỏ

Người thợ mỏ là đề tài không vơi cạn của mọi loại hình VHNT, trong đó có nhiếp ảnh. Qua nhiếp ảnh, nhịp sống lao động của vùng đất Quảng Ninh, hình ảnh của những người thợ mỏ, đã hiện ra một cách thật chân thực...
Bức ảnh “Nắng sớm mỏ than” của Dương Phượng Đại.

Bức ảnh “Nắng sớm mỏ than” của Dương Phượng Đại.

NSNA Phạm Ngọc Thành, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Quảng Ninh, đánh giá: Đề tài thợ mỏ là thế mạnh, gần như là “hàng độc” của các tay máy Quảng Ninh. Không nhiều thì ít, đã là nghệ sĩ nhiếp ảnh sống ở Quảng Ninh, ai cũng lấy người thợ mỏ làm nhân vật của mình. Ngay từ thập kỷ 70 của thế kỷ trước, khi mà Chi hội Nhiếp ảnh Quảng Ninh mới được thành lập, đã có những tay máy đi vào khai thác đề tài người thợ. Có thể kể ra những cái tên như: Quang Sơn, Trương Thái, Tô Minh Bình, Tiến Giới, Anh Kết, Công Vượng, Đoàn Đạt, Đỗ Kha, Trần Đức Sửu, Hào Minh, Phạm Thành, Quang Đạo v.v. Hàng loạt những bức ảnh của thời ấy đã được nhiều người biết đến như “Bác Hồ nâng hòn than” của Công Vượng, “Suối than” của Công Chác, “Công trường vỉa 16 than Hà Tu” của Đỗ Kha, “Nắng xóm thợ” của Đoàn Đức, “Đêm Vùng mỏ” của Đào Xuân Cáp v.v.

Có những bức ảnh còn tạo ra cả một sự chuyển động như “Cơn mưa ập tới” của NSNA Dương Văn Ban (tức Dương Tiến). Tác phẩm đoạt giải ba tại Triển lãm ảnh nghệ thuật quốc tế tại Bifota (Cộng hoà dân chủ Đức) năm 1975, huy chương vàng Triển lãm ảnh nghệ thuật toàn quốc năm 1982. Bức ảnh mô tả cảnh những người thợ mỏ đang oằn mình đẩy máy lên cao cứu máy, chuyện xảy ra thường xuyên vào mỗi dịp mưa lớn. Chính từ bức ảnh này được công bố mà sau đó, người ta đã chế ra phao, bè trên moong để hỗ trợ thợ mỏ mỗi đợt mưa về…

Một người khác cũng không sinh ra, lớn lên tại Quảng Ninh nhưng gắn bó với Vùng mỏ trong suốt 10 năm (từ 1962-1972) trong vai trò phóng viên Thông tấn xã Việt Nam là NSNA Minh Lộc. Ông có mặt khắp các khai trường, tầng mỏ, dưới lò sâu để kịp thời ghi lại hàng ngàn bức ảnh về những giọt mồ hôi người thợ, nụ cười hồn hậu của nữ công nhân trong ca làm việc hối hả, phút nghỉ ngơi, hay cuộc sống bình dị bên gia đình của người thợ. Những tác phẩm này đã giúp Minh Lộc giành được nhiều giải thưởng trong các cuộc thi ảnh tại Liên Xô (cũ). Khai thác hình ảnh thợ mỏ, NSNA Minh Lộc thường chọn góc máy cận cảnh người thợ trên khai trường.

Các tay máy kế tiếp như: Đoàn Đức, Bạch Ngọc Tư, Nguyễn Ngọc Huấn, Trung Thức, Khắc Đạm, Đỗ Giang, Ánh Ngọc, Đoàn Đức Chính, Dương Phượng Đại, Cấn Đình Loan v.v. cũng có không ít ảnh chụp thợ mỏ. Trong đó, các nhà nhiếp ảnh như cố nghệ sĩ Hào Minh, các nghệ sĩ Đoàn Đạt, Đoàn Đức, Đỗ Kha, Khắc Đạm v.v. cũng là những người gắn bó sâu sắc với người thợ. Có người đã từng trực tiếp làm thợ cơ khí, thợ lái máy xúc trên mỏ, phóng viên theo dõi ngành Than…

Nói đến ảnh nghệ thuật về thợ mỏ giai đoạn này không thể không kể đến Phạm Thành.  Phạm Thành thích chụp chân dung người thợ vừa hoàn thành công việc, niềm vui cùng  nỗi mệt nhọc vất vả của người thợ. Từ ý tưởng ấy, bức “Thợ mỏ” của Phạm Thành đã  đoạt huy chương vàng tại Triển lãm ảnh nghệ thuật toàn quốc năm 1986. Kể về bức ảnh  này, ông Thành nhớ lại: Hồi ấy, tôi vào mỏ Vàng Danh, muốn chụp ảnh chân thực gắn  với cuộc sống, không “lau chùi” diêm dúa. Và Phạm Thành cho biết, ông đã may mắn  khi bắt gặp khoảnh khắc người thợ vừa tan ca, ngồi nghỉ bên ngoài cửa lò, từng giọt mồ  hôi chảy dài trên gò má đầy bụi than của họ. Nhiều người vẫn cho rằng, đây là bức ảnh  chân dung về thợ mỏ đầu tiên của thời kỳ đổi mới, thể hiện khí thế lao động hừng hực,  tự tin của lớp thanh niên trẻ. Còn theo NSNA Đỗ Kha, “Thợ mỏ” thành công ở chỗ đã đi vào đề tài cuộc sống một cách chân thực. Bức ảnh ghi dấu một sự chuyển hướng về  nghệ thuật, mở đầu cho khuynh hướng phản ánh chân thực hình tượng người thợ. Nối  tiếp thành công đó, Phạm Thành còn có tác phẩm “Chung sức” được trao giải đặc biệt  tại cuộc thi ảnh khu vực châu Á Thái Bình Dương lần thứ 18 với đề tài “Con người đang  làm việc” tổ chức năm 1994, tại Nhật Bản. Cùng với đó, các bức “Những vầng hào  quang”, “Những người chinh phục lòng đất” cũng tạo được nhiều sự chú ý.

Một tay máy khác mà khi nhắc đến ảnh về thợ mỏ, người ta không thể quên, đó chính là Phạm Mạnh Hùng. Anh luôn có mặt để chụp ảnh người thợ ở thời điểm thử thách cam go nhất, với nụ cười hồn hậu nhưng rất kiên cường. Năm 2004, tại Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực đồng bằng sông Hồng, tác phẩm “Mùa than” của anh đã giành huy chương đồng. Hai năm sau, tại Liên hoan ảnh nghệ thuật các tỉnh khu vực đồng bằng sông Hồng lần thứ X, bức “Trở về từ lòng đất” của Phạm Mạnh Hùng đã được trao huy chương vàng. Tác phẩm này đồng thời được trao giải nhất giải thưởng hằng năm của Tập đoàn CN Than - Khoáng sản Việt Nam năm 2007. Gần đây, Phạm Mạnh Hùng chú ý đến mảng đề tài người thợ với môi trường. Bộ ảnh “Thợ mỏ với môi trường” của Phạm Mạnh Hùng đoạt giải nhất tại cuộc thi ảnh nghệ thuật “Vinacomin đổi mới, phát triển bền vững”, năm 2011.
Tác phẩm “Trở về từ lòng đất” của Phạm Mạnh Hùng.

Khác với Phạm Mạnh Hùng, Khắc Đạm lại nhấn mạnh đến hình ảnh người thợ trên khai trường từ cái nhìn toàn cảnh. Khai trường dưới ống kính của Khắc Đạm như những nét vẽ mềm mại, tinh tế. Từ khoảng chục năm trở lại đây, Khắc Đạm gặt hái được những thành công đáng nể. Bức ảnh “Gương than” của anh đã được treo tại Triển lãm ảnh nghệ thuật toàn quốc lần thứ 24, năm 2006. Cũng trong thời gian này bức ảnh “Nhộn nhịp mỏ than” được Bộ Công nghiệp và Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam trao giải nhì cuộc thi sáng tác ảnh nghệ thuật toàn quốc với chủ đề “Công nghiệp Việt Nam - Những bứt phá ngoạn mục trước vận hội mới”. Thành công nối tiếp thành công, Khắc Đạm liên tiếp có những bức ảnh được đánh giác cao, như: “Đường xuống lòng moong Cọc Sáu”, “Lấp lánh gương than”, “Mỏ than vào ca”...

Nhìn lại Nhiếp ảnh Quảng Ninh mấy năm gần đây, một số nghệ sĩ nhận ra những “khoảng lặng” so với giai đoạn trước. Tuy nhiên, không phải vì thế mà không có những bức ảnh thành công về thợ mỏ. Bức ảnh “Trước gương than” của Đỗ Khánh đã giành được giải ba triển lãm ảnh toàn quốc, năm 1996; bức “Khai trường than” cũng được trao huy chương đồng tại Liên hoan ảnh nghệ thuật đồng bằng sông Hồng lần thứ XIII, năm 2010. Một tay máy khác của thợ mỏ cũng thành công trong giai đoạn này là Dương Phượng Đại. Bức ảnh “Nắng sớm mỏ than” được anh chụp tại moong Cọc Sáu, khi anh tận dụng ánh sáng ngược của nắng sớm để tôn vinh không khí lao động đầy hăng say của người thợ mỏ. Bức ảnh được trao huy chương đồng tại Liên hoan ảnh nghệ thuật đồng bằng sông Hồng năm 2011.

Nói về đề tài ảnh thợ mỏ, NSNA Phạm Thành cho rằng thành công của nhiếp ảnh Quảng Ninh là với nhiều cách thể hiện khác nhau, họ đã làm cho hình tượng người thợ thật sinh động. Theo ông, đây đã và sẽ mãi là đề tài sáng tạo dồi dào cho các tay máy khám phá…
 


 

TÁC GIẢ BÀI VIẾT: (BQN)

Về trang chủ Liên hệ quảng cáo Đường dây nóng: 0966 252 565 (Zalo/Whatsapp)