Trang chủ Tin tức
Xem bản tin Cập nhật lúc 18h29 ngày 23-04-2014

Tái cơ cấu cơ khí sẽ khó hơn

Tái cơ cấu là chủ trương lớn nhằm phát triển sản xuất của các doanh nghiệp nhà nước. Đây cũng là bước đi tất yếu của nền kinh tế trong thời đại hội nhập như ngày nay. Nó đồng nghĩa với việc một số đơn vị sẽ phải cạnh tranh nhiều hơn trong phát triển sản xuất.

 
Trao đổi về vấn đề này, các chuyên gia kinh tế cho biết, quá trình tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước là nhằm giúp cho các doanh nghiệp này đứng vững, độc lập hơn trên thị trường. Tuy nhiên khi mới tái cơ cấu, nhiều doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn vì bị rút “bầu sữa mẹ”. Đó là vốn đầu tư bị thoái và không đỡ đầu về thị trường nữa… Nhưng trái lại, chỉ có như vậy, doanh nghiệp mới phát huy được hiệu quả hơn, một vấn đề mà dư luận vẫn kêu ca về hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước. Chúng ta có thể hình dung, các doanh nghiệp nhà nước sau khi tái cơ cấu như một đứa con ra ở riêng và phải tự lo lập nghiệp, làm ăn cho mình, không còn sự đỡ đầu của cha mẹ nữa.
 
Đối với các đơn vị thuộc Tập đoàn, khi thực hiện tái cơ cấu để đứng ra độc lập, theo các chuyên gia, một số doanh nghiệp trong khối cơ khí sẽ gặp khó khăn hơn cả. Các đơn vị này gặp khó không phải vì thiếu vốn sản xuất mà chính là thị trường. Còn nhớ những năm cuối thập kỷ 90 thế kỷ trước, toàn bộ các đơn vị cơ khí của ta được tách ra khỏi ngành Than về Viện cơ khí năng lượng. Khi đó, ngành cơ khí mỏ gặp nhiều khó khăn. Hàng nghìn công nhân cơ khí mỏ thiếu việc làm. Nhiều máy móc thiết bị hiện đại “đắp chiếu” vì không có việc làm. Sự kiện này khiến Trung ương phải vào cuộc. Và không thể khác, các đơn vị cơ khí được “cơ cấu lại” để về với ngành Than. Người viết bài này cũng như không ít nhà báo đã khẳng định rằng Cơ khí của ta phải là Cơ khí mỏ. Nếu không chiếm lĩnh được thị trường này, Cơ khí sẽ không thể trụ nổi. Và trên thực tế, ai cũng biết, sau khi sát nhập lại về ngành Than, các đơn vị trong khối cơ khí đã phát triển khá tốt, trừ các lĩnh vực đóng tàu, lắp ráp ô tô hay các sản phẩm ngoài ngành không thể cạnh tranh được.
 
Theo lộ trình tái cơ cấu của Tập đoàn lần này, trong các đơn vị cơ khí có Công ty Cổ phần Cơ khí ô tô Uông Bí nằm trong danh sách thoái vốn hoàn toàn. Nhận thức được những khó khăn, hiện nay, lãnh đạo Công ty này cũng đang từng bước thay đổi để có thể thích ứng với thị trường, cạnh tranh được và có thể tham gia sản xuất các sản phẩm ắc quy, tàu điện, đèn lò mũ lò, vì lò, sửa chữa ô tô… vốn là thế mạnh của Công ty hiện nay. Một mặt, Công ty siết chặt kỷ luật lao động và tăng cường quản trị chi phí, hạ giá thành sản phẩm. Mặt khác, Công ty nêu cao tinh thần tự chủ, lao động sáng tạo của đội ngũ cán bộ, công nhân Công ty để có thể cho ra đời các sản phẩm mới thông minh hơn, giá thành thấp, cạnh tranh để chiếm lĩnh thị trường. Đây là nhiệm vụ sống còn của đơn vị. 
 
Công ty Cổ phần Cơ khí Ô tô Uông Bí vốn là đơn vị trực thuộc Cty TNHH MTV than Uông Bí - Vinacomin. Đây là doanh nghiệp Nhà nước được cổ phần hóa từ năm 2007. Từ đó đến nay, Công ty đã có những phát triển đáng ghi nhận: Trước CPH vào năm 2006, DN này chỉ đạt doanh thu 40 tỷ đồng, thì sau 7 năm (2006 - 2013) CPH, doanh thu tăng ở mức hơn 800 tỷ đồng vào năm 2013, tiết kiệm chi phí từ 10 - 20 %/năm. Đặc biệt, trong 2 năm sau CPH, năm 2007, Công ty đã đạt tốc độ tăng trưởng 284% so với năm 2006; năm 2008 tiếp tục tăng trưởng 214%... Là một đơn vị làm dịch vụ sửa chữa các loại ô tô trong và ngoài ngành Than, sản xuất một số thiết bị cho ngành như ắc quy kiềm, mũ lò… Công ty CP Cơ khí Ô tô Uông Bí vẫn đảm bảo được đời sống và việc làm cho khoảng 500 lao động trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay. Với năng lực đó, hy vọng rằng, những khó khăn trước mắt sẽ sớm vượt qua đối với công nhân, cán bộ Công ty và đứng vững trên thị trường.

Theo Vinacomin
Về trang chủ Liên hệ quảng cáo Đường dây nóng: 0966 252 565 (Zalo/Whatsapp)